Tên gọi Hàn lâm viện

Hàn lâm

Theo sách Dật Châu Thư, quyển sách ghi chép biên niên sử triều Tây Chu Trung Hoa, Hàn nguyên là danh từ Đại Hàn, được dùng để chỉ về một giống gà thần Thiên Kê[1] có lông đỏ 5 màu do người Thục cống nạp cho Chu Thành Vương.[2] Về sau, danh từ Hàn còn có nghĩa là lông chim dài và cứng, tức bút viết vì thời xưa bút viết được làm từ những lông chim dài và cứng. Danh từ Lâm nghĩa là rừng. Hàn Lâm (翰林) nghĩa đen là rừng bút với nghĩa bóng chỉ văn đàn, học thuật. Hàn lâm viện có ý nghĩa là viện học thuật, nơi văn đàn mà các học sĩ tụ họp.

Hàn lâm viện còn được biết đến với tên là Ngọc Đường hoặc Ngọc Đường viện do từ tích vua Tống Thái Tông (976-978) viết bốn chữ màu trắng là Ngọc Đường chi thự (玉堂之署, Jade Hall Office) trên tấm lụa hồng ban tứ cho Hàn lâm học sĩ Tô Dịch Giản.

Tên chức Hàn lâm hay Hàn lâm viện

Trong các bài viết hoặc sách vở, khi viết về một vị quan Hàn lâm, chức thường được viết tắt là Hàn lâm + tên chức vụ như Hàn lâm học sĩ (翰林學士) hoặc Hàn lâm thị độc (翰林侍讀) dùng trong câu như "quan Hàn lâm học sĩ, quan Hàn lâm thị độc, hoặc quan Hàn lâm hiệu lý".

Thời Minh, khi các Trực học sĩ viện tại các học viện khác được bổ vào Hàn lâm viện, chức Trực học sĩ được đổi thành chức Trực học sĩ viện (直學士院, Auxiliary Hanlin Academician).

Nhưng trong sách sử Việt, ngoại trừ một vài trường hợp viết như trên[3], phần lớn chức trong Hàn lâm viện đều được viết với tên đầy đủ là Hàn lâm viện + tên chức vụ ví dụ Hàn lâm viện học sĩ (翰林院學士) hoặc Hàn lâm viện kiểm thảo (翰林院檢討)[4][5][6], ví dụ Hàn lâm viện Biên tu Phan Huy Chú. Vì vậy, trong tiếng Việt văn nói, ta có thể viết hoặc nói "quan Hàn lâm Biên tu Phan Huy Chú", nhưng trong văn viết, nhất là khi viết về sử Việt từ thời Hồng Đức trở về sau, cần viết cùng chữ viện, như dùng trong câu "Phan Huy Chú được phong chức Hàn lâm viện biên tu" hoặc "quan Hàn lâm viện Biên tu là Phan Huy Chú...".

Ngoài ra, trong sách báo, đôi khi danh từ "Hàn lâm học sĩ" được dùng để chỉ chung tất cả các quan viên đương hoặc trước đây được sung vào Hàn lâm viện. Việc này có thể gây khó khăn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu vì danh từ Hàn lâm học sĩ còn là một chức đã tồn tại, rồi lại bị bãi bỏ, rồi lại được phục hồi trong các triều đại Việt Nam. Ví dụ như trong câu "...có bề tôi cũ của họ Mạc là Hàn lâm học sĩ Nguyễn Thì Dự" có thể gây ngộ nhận Nguyễn Thì Dự được bổ chức Hàn lâm học sĩ thời Mạc nhưng thời này Hàn lâm viện mô phỏng biên chế thời Hồng Đức, nên không có chức vị Hàn lâm học sĩ. Vì vậy, khi nghiên cứu về thời Mạc, câu văn trên có thể dẫn đến ngộ nhận đây là câu văn chứng minh thời Mạc đặt chức Hàn lâm học sĩ, khác với thời Hồng Đức về sau. Để tránh sự ngộ nhận, nếu viết để đại khái cho độc giả biết vị quan đương hoặc trước đây được sung vào Hàn lâm viện mà không biết rõ là chức gì, cần tránh dùng danh từ Hàn lâm học sĩ như trên, mà nên dùng câu ví dụ như "có bề tôi cũ của họ Mạc là thuộc viên Hàn lâm viện Nguyễn Thì Dự", hoặc nếu biết rõ tên chức "có bề tôi cũ của họ Mạc là Hàn lâm viện thị độc Nguyễn Thì Dự ", hoặc nếu chỉ chung các vị học sĩ thuộc Hàn lâm viện, dùng "...là các quan học sĩ thuộc Hàn lâm viện", tránh dùng "...là các Hàn lâm học sĩ thời..." để tránh việc ngộ nhận sau này khi bài viết, sách báo được dùng để tham khảo. Dùng Hàn lâm học sĩ như một danh từ thậm xưng để độc giả hiểu vị quan ấy là học sĩ thì không cần thiết vì Hàn lâm viện vốn đã là chốn văn đàn của các học sĩ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hàn lâm viện http://zidian.reader8.cn/16hua/15723.html http://www.360doc.com/content/15/0702/16/17799864_... http://baike.baidu.com/view/36458.htm http://3.bp.blogspot.com/-2XEyKXOLwLQ/UiLAhOKLoKI/... http://www.chinaknowledge.de/History/Terms/hanliny... http://lemanhchien41.blogspot.fr/2013/08/luoc-khao... http://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/view... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1...